Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam: Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi hoạt động
Đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác khí tượng thủy văn, thúc đẩy xã hội hóa, hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Từng bước hình thành hệ thống thông tin chuyên ngành hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo hạn dài, hạn ngắn đủ độ chi tiết. Các hoạt động hợp tác chia sẻ, thông tin dữ liệu dự báo, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dự báo, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong nền khoa học khí tượng thủy văn của nhân loại.
Thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 03 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%. Thông tin dự báo, cảnh báo KTTV đã giúp các Bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, triển khai các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong năm 2019-2020 đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ qua đó giảm thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.
Thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động
Đảng, Nhà nước trong những năm vừa qua luôn dành sự quan tâm lớn đối với ngành KTTV Việt Nam, sự quan tâm đó được thể hiện bằng việc kịp thời chỉ đạo và ban hành các chỉ thị, nghị quyết, luật, quyết định,... để đầu tư phát triển công tác KTTV.
Hệ thống thông tin KTTV hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế; hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, lĩnh vực KTTV đã có một mạng lưới quan trắc KTTV liên tục được cấy dày, tăng cường tự động hóa bằng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, xã hội hóa và trở thành mạng lưới nền cho mạng lưới quan trắc TNMT, hiện có: 284 trạm khí tượng bề mặt; 29 trạm khí tượng nông nghiệp; 14 trạm bức xạ; 782 trạm đo mưa tự động; 359 trạm thủy văn; 27 trạm khí tượng hải văn; có 180 trạm, điểm đo môi trường; mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 06 trạm thám không vô tuyến, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 03 trạm đo tổng lượng ô dôn - bức xạ cực tím và 10 trạm ra đa thời tiết trải khắp mọi miền đất nước, 18 trạm định vị sét.
Với nhu cầu thông tin mang tính chi tiết-định lượng trong các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn của xã hội, Ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ dự báo số trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan như mưa lớn, bão,.... Từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy-đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết-phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV.
Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy các hiện tượng cực đoan đều liên quan nhiều đến yếu tố địa hình và hoàn lưu quy mô nhỏ. Ví dụ như đợt mưa lớn tại tỉnh Hà Giang xảy ra trong tháng 7/2020 với lượng mưa đo được ở một số điểm đạt từ 300 đến 400mm trong chưa đầy 6 tiếng. Đây là hiện tượng cực trị liên quan đến các quá trình đối lưu sâu, cục bộ đã phần nào được dự báo trước từ hệ thống công nghệ mới mà các hệ thống mô hình toàn cầu hiện nay đều không thể nắm bắt được.
Trong giai đoạn tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.
Với định hướng đó, ngành KTTV lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc quốc gia, trong đó tập trung đầu tư phát triển hệ thống trạm quan trắc tự động nhằm bảo đảm thu thập đầy đủ và chính xác các số liệu, đáp ứng yêu cầu cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, khai thác bền vững tài nguyên và môi trường.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn
Nguồn: http://www.kttvqg.gov.vn/public/chi-dao-dieu-hanh-103/nganh-khi-tuong-thuy-van-viet-nam--chu-dong-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-moi-hoat-dong-9513.html